Thứ 3, 03/08/2021 13:51:57 GMT+7

Giải pháp nâng chất lượng tôm giống

Đánh giá bài viết

Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản phối hợp với địa phương, các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp quản lý để nâng cao chất lượng giống tôm nước lợ. Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống tôm nước lợ như: Vận chuyển tôm giống không qua kiểm dịch diễn ra phức tạp; vẫn còn số lượng lớn tôm giống kém chất lượng được sản xuất và lưu thông; việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các địa phương còn nhiều bất cập.

Hiện nay, tôm giống được sản xuất yếu tại các tỉnh Nam Trung bộ (Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận) cung cấp 56% sản lượng tôm giống cho nhu cầu thả nuôi cả nước; vùng tiêu thụ 80% tôm giống của nước ta tập trung tại các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau).

Nhằm phối hợp quản lý chặt chẽ giống tôm nước lợ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, Tổng cục Thủy sản đã chủ trì Lễ ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương. Tham dự Lễ ký Quy chế có đại diện Sở NN&PTNT 11 tỉnh, trong đó 3 tỉnh trọng điểm sản xuất tôm giống là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và 8 tỉnh trọng điểm nuôi tôm là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau; đại diện Cục Thú y; Cục An ninh Kinh tế Nông lâm ngư nghiệp (A86); Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục; Hiệp hội Giống Ninh Thuận, Hiệp hội Tôm Bình Thuận; các cơ quan thông tấn báo chí và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống.


Tại Lễ ký Quy chế, các đại biểu đã thảo luận, bàn bạc kỹ những bất cập, khó khăn và cơ chế phối hợp trong quản lý giữa các khâu sản xuất – lưu thông – sử dụng tôm giống, các địa phương thống nhất cao sự cần thiết phải có Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ, trong đó tập trung vào các vấn đề sau:

– Nguyên tắc phối hợp: Thống nhất cơ chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các địa phương, đảm bảo hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong quản lý giống tôm nước lợ, đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương.

– Nội dung phối hợp: Hàng năm, các địa phương sản xuất giống tôm sẽ cung cấp danh sách và thông tin liên quan của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ đủ điều kiện trên địa bàn quản lý; danh sách các cơ sở thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và thông tin về nội dung công bố cho các địa phương tiêu thụ được biết. Trong trường hợp các địa phương tiêu thụ phát hiện tôm giống tại cơ sở nuôi có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng thì thông báo cho các địa phương có cơ sở sản xuất giống để xem xét, xác minh và truy xuất nguồn gốc tôm giống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý, các bên phát hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông và chất lượng giống tôm nước lợ thì báo cáo cho Tổng cục Thủy sản để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Năm 2019, Tổng cục Thủy sản tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy chế, nếu mang lại hiệu quả trong quản lý giống tôm nước lợ thì sẽ mở rộng phạm vi áp dụng.

Việc ký Quy chế đạt được sự đồng thuận cao của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Qua đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nước lợ tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/1/2018.

Hải Băng
Email
Họ tên
Nội dung

Top