Thứ 3, 03/08/2021 14:59:57 GMT+7

Yêu cầu kỹ thuật ương tôm càng xanh giống trong bể lót bạt

Đánh giá bài viết

Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao, được nuôi nhiều nước trên thế giới. Diện tích thả nuôi nhiều nên nhu cầu về giống tôm càng xanh cũng dồi dào, vậy, yêu cầu kỹ thuật ương tôm càng xanh giống trong bể lót bạt là gì? là câu hỏi mà Contom.vn nhận được trong kỳ này. Cùng Ban KHKT giải đáp và theo dõi một số câu hỏi khác được gửi về nhé!

Hỏi: Tôi muốn ương tôm càng xanh giống trong bể lót bạt thì cần chuẩn bị những gì cho đúng yêu cầu kỹ thuật để tôm phát triển tốt?

(Phan Văn Toàn, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau)

Trả lời:

Để ương tôm từ tôm post lên tôm giống trong bể lót bạt, cần theo các kỹ thuật sau: Diện tích ương 100 m2 (tùy theo từng hộ). Bể ương có dạng hình chữ nhật, được xây dựng bằng cách đấp đất trải bạt, chiều cao bể khoảng 80 cm và nghiêng 5 – 7% về phía thoát nước (ống xả 60 – 90 mm).

Bể sau khi chuẩn bị xong tiến hành bơm nước vào bể ương, nước bơm vào phải qua lưới lọc để loại bỏ địch hại theo vào bể. Tạt vôi (CaO) với liều lượng 5 kg/100 m2 giúp lắng tụ phù sa, chất lơ lửng. Sau 3 ngày tiến hành gây màu bằng phân hữu cơ NPK và kết hợp thức ăn công nghiệp số 0.

Khi tảo phát triển, tiến hành cho moina vào bể ương. Moina được vớt ở các thủy vực ngoài tự nhiên bằng vợt có kích thước mắt lưới 50 – 150µm rồi cho vào bể để gây nuôi, với mật độ ban đầu là 10 cá thể/lít nước. Thức ăn sử dụng gây nuôi moina là thức ăn công nghiệp (số 0) có hàm lượng đạm 42%, liều lượng 200 g/100 m2, cho ăn lần 2 sau ba ngày thả nuôi.

Các yếu tố môi trường thích hợp để moina phát triển là: pH 7 – 8, DO 3 – 3,5 mg/L, nhiệt độ 26 – 300C. Lắp đặt hệ thống thổi khí 8 – 10 vòi thổi khí cung cấp ôxy cho moina phát triển và cho tôm khi ương (tùy theo mật độ ương). Sau 7 – 10 ngày ương, kiểm tra mật độ moina tăng lên 50 cá thể/l nước, thì  bắt đầu tiến hành thả tôm vào ương.


Hỏi: Ao nuôi tôm nhà tôi đang có rất nhiều ốc đinh. Xin hỏi có cách nào diệt ốc đinh mà không gây hại cho tôm nuôi?

(Nguyễn Thị Thanh Thi, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh)

Trả lời:

Trong quá trình nuôi nếu có ốc thì nên vớt định kỳ, không được sử dụng các loại hóa chất để diệt ốc khi đang có tôm trong ao (lưu ý khi vớt ốc tránh làm đục nước trong ao). Quan sát theo dõi tập tính của chúng xem chúng hoạt động mạnh giờ nào, tập trung ở đâu; sau đó thử rải mồi nhử cho chúng lên bờ ao và sử dụng công cụ giống như công cụ cào sò để cào. Chú ý không cào phần đáy ao vì như vậy dễ làm các chất độc dưới đáy ao hòa tan trong nước gây hại cho tôm.

Người nuôi có thể dùng các công cụ như vó, nhá cho thức ăn vào trong để dụ ốc vào trong nhá, vó vớt lên và bắt dần đi; hay có thể sử dụng các tấm phên (nan tre) đặt xung quanh ao. Đặc tính của ốc là thích bám vào các giá thể như nan tre, vì thế chúng ta lợi dụng đặc tính này để loại bỏ bớt ốc đinh trong ao nuôi. Hằng ngày hoặc hàng tuần tiến hành lấy lên và bắt ốc. Cách bắt này tương đối hiệu quả trong các ao đang nuôi tôm.

Trong ao có ốc đinh thì dẫn đến tình trạng kiềm thấp, ốc đinh sẽ hấp thụ hết khoáng chất trong ao. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho tôm không cứng vỏ sau khi lột, vì vậy kết hợp với những biện pháp xử lý ốc đinh, người nuôi nên dùng khoáng tạt ao và trộn khoáng đa vi lượng cho tôm ăn.

Ban KHKT
Email
Họ tên
Nội dung

Top