Thứ 6, 17/12/2021 16:44:42 GMT+7

Khai thác, vận chuyển tôm hùm giống

Đánh giá bài viết

(Contom.vn) - Hiện nay, con giống cung cấp cho nuôi tôm hùm chủ yếu là từ tự nhiên. Do đó, việc khai thác, vận chuyển tôm hùm giống đúng kỹ thuật là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp nâng cao tỷ lệ sống, mang lại hiệu quả cao.

Khai thác

Hiện, có 3 hình thức khai thác tôm hùm chủ yếu, cụ thể:

Khai thác bằng lưới: Loại lưới sử dụng là lưới ly, hay còn gọi là lưới trủ. Kích thước lưới phụ thuộc vào quy mô khai thác. Ðộ dài lưới dao động khoảng 100 - 150 m, độ cao 4 - 6 m. Mắt lưới có kích cỡ 5 mm (2a = 5 mm). Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 - 5 tiếng, lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới. Kết thúc 1 đợt lại tiếp tục thả đợt khác, thực hiện liên tiếp cho đến khoảng 5 giờ sáng hôm sau thì dừng. Hoạt động khai thác có sử dụng ánh sáng đèn neon cường độ khoảng 1.000 - 2.000W. Tôm hùm giống mắc lưới được gỡ ra rất nhanh và được lưu giữ trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, khoảng 100 - 150 con/thùng và máy sục khí.

Khai thác bằng bẫy: Loại bẫy được làm bằng lưới thường có chiều dài 60 cm và đường kính khoảng 40 cm. Riêng san hô được sử dụng làm bẫy có nhiều kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào từng loại san hô. Bẫy được thả xuống nước ở độ sâu khoảng 4 - 5 m vào tháng 11 hàng năm, đây là thời điểm xuất hiện tôm hùm giống. Sau khoảng 3 - 5 ngày, khi bẫy đã ổn định ngư dân sẽ thu bắt tôm hùm hàng ngày vào các buổi sáng bằng cách giũ bẫy vào trong vợt lưới hoặc bắt chúng ra bằng tay từ các lỗ đã khoan. Kích cỡ con giống thu được khoảng 7,5 - 10 mm CL/con và trọng lượng xấp xỉ 0,3 - 1 g/con. Vào cuối tháng 5 bẫy cũng được thu lên bờ và cất giữ ở nơi thoáng mát để sử dụng cho mùa khai thác năm sau.

Khai thác bằng lặn bắt: Hình thức này đảm bảo con giống khỏe, với kích cỡ lớn khoảng 12 - 15 mm CL/con và trọng lượng 7 - 9 g/con. Tuy nhiên, số lượng con giống được khai thác mỗi ngày tối đa chỉ được 100 - 150 con/thuyền/10 ngày/5 người vào mùa khai thác chính trong năm. Vào các tháng sau số lượng khai thác chỉ đạt 3 - 10% so với vụ chính


Tôm hùm giống - Ảnh: ST

 

Vận chuyển

Tôm hùm giống đã được vận chuyển bằng nhiều phương pháp khác nhau từ các vùng khai thác đến các vùng nuôi dọc ven biển miền Trung.

Vận chuyển khô: Thường được sử dụng để vận chuyển con giống lớn khoảng 30 - 100 g/con. Dụng cụ vận chuyển là các thùng xốp có kích thước 30 x 40 x 25 (cm); hoặc 60 x 70 x 45 (cm) tùy thuộc vào số lượng giống cần vận chuyển. Mật độ tôm vận chuyển khoảng 150 - 300 con/thùng xốp. Thời gian vận chuyển khoảng 3 - 7 giờ với nhiệt độ được duy trì 21 - 220C bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi nilon kín. Tôm được giữ độ ẩm của nước biển bằng rong hoặc bằng khăn vải dày và chuyên chở bằng xe máy hoặc xe ôtô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt 90 - 95%.

Vận chuyển nước: Ðược sử dụng để vận chuyển con giống nhỏ. Trọng lượng của cỡ giống này chỉ xấp xỉ 0,25 - 1 g/con, và rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường sống. Dụng cụ vận chuyển cũng là các thùng xốp có kích cỡ 30 x 50 x 25 (cm) hoặc 45 x 60 x 35 (cm). Dưới đáy thùng được phủ một lớp rong câu tươi hoặc một lớp cát dày 0,5 - 1 cm. Ðổ nước biển sạch vào thùng xốp cao ngập cát hoặc rong khoảng 5 - 7 cm và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Nhiệt độ nước được duy trì 21 - 220C với thời gian vận chuyển từ 5 - 15 giờ; và khoảng 23 - 250C với thời gian vận chuyển 3 - 5 giờ bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi nilon kín. Tôm giống được đưa vào thùng xốp với mật độ 300 - 400 con/thùng nhỏ hoặc 700 - 1.000 con/thùng lớn. Thông thường, phương tiện vận chuyển bằng xe máy thường sử dụng các thùng nhỏ vì tính gọn, nhẹ và dễ dàng xử lý trên đường. Thùng lớn được sử dụng khi chuyển giống với số lượng lớn bằng xe ô tô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển thường đạt 95 - 97%.

Thái Thuận (Tổng hợp)
Email
Họ tên
Nội dung

Top